Tin thị trường

Trang chủ » Tin thị trường

"Cần một dòng vốn tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ xấu"

"Cần một dòng vốn tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ xấu"

 
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành cho biết trong cuộc họp Chính phủ vừa rồi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói có thể tìm được nguồn tiền 100.000 tỷ để bơm vào hệ thống nhằm xử lý nợ xấu
Ngày 09/09/2014, Tọa đàm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu do Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu. Phát biểu tại tọa đàm, các chuyên gia đều có chung một nhận định về vấn đề xử lý nợ xấu: khó mà "tay không bắt giặc" được!
Cần một dòng vốn tạm thời bơm vào hệ thống
Tiến sỹ Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh nhận xét, việc xử lý nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng đạt được kết quả ban đầu nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Theo số liệu tôi nắm được thì từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 184.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng nợ xấu lại tiếp tục phát sinh do nợ “dây chuyền” của DN tác động lây lan và việc cơ cấu lại nợ trong năm 2013 chỉ mang ý nghĩa tình thế, trong khi đó những doanh nghiệp vướng nợ chưa có khả năng phục hồi.” – chuyên gia cho biết.
 
 
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng nhà nước, tính đến 20/08/2014, VAMC đã mua được 56.000 tỷ nợ xấu từ các TCTD, bán được 1.400 tỷ nợ xấu. Con số bán nợ quá nhỏ so với con số mua được thể hiện một thực tế mà ai cũng đã thấy rõ là VAMC đang phải hoạt động trong cơ chế còn nhiều hạn chế về cơ chế, nguồn lực để mua bán dứt điểm nợ, bán nợ xấu ra thị trường, cơ chế phát mại tài sản thuận lợi, cơ chế để chứng khoán hóa các khoản nợ…
Chuyên gia đưa ra một số giải pháp để xử lý nợ xấu, trong đó, tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng cần phải bổ sung năng lực tài chính cho VAMC bao gồm tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, NHNN phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của Doanh nghiệp nhà nước.
“Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ. Nợ mấy trăm ngàn tỷ mà vốn của VAMC có 500 tỷ sao giải quyết được.”- tiến sỹ Trần Du Lịch khẳng định.
Có nguồn tiền 100.000 tỷ để bơm vào hệ thống?
Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kính tế và Chính sách (VERP), trường Đại học Kinh tế, ĐHQG diễn giải, để cắt nợ xấu thì Ngân hàng cần cho Doanh nghiệp vay, tạo máu cho nền kinh tế. Ai cũng muốn điều đó nhưng nếu không có nguồn lực thì Ngân hàng phải tự giải quyết. Nguồn lực này lấy từ chênh lệch lãi suất tức là ngân hàng sẽ huy động lãi suất thấp, cho vay cao và chênh lệch này dùng để trích lập nợ xấu.
Tiến sỹ Thành ví von điều đó giống như là cơ thể ốm tự tạo ra bạch cầu để chống chọi bệnh. Có thể cơ thể sẽ sống nhưng nếu không đủ thời gian để tạo ra kháng thể thì cơ thể đó sẽ chết.
Tiến sỹ Thành nêu lên 4 biện pháp để xử lý nợ xấu:
Thứ nhất là bơm tiền vào hệ thống từ NSNN. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định không thể thực hiện biện pháp này do thâm hụt NSNN đã rất lớn. Theo tính toán của VERP, để làm được điều này, thâm hụt Ngân sách chỉ được giữ ở mức 4% từ nay đến năm 2020, nếu vượt 4% thì nợ công sẽ vi phạm trần an toàn. Theo tiến sỹ Đức Thành, một nguồn tiền có thể sử dụng là từ bán tài sản Doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hóa) khoảng 100.000 tỷ. Song Chính phủ cũng có nhiều việc phải làm với số tiền này.
Thứ hai, NHNN tự xoay xở tìm nguồn tiền. Tiến sỹ Thành cho biết trong cuộc họp Chính phủ vừa rồi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói có thể tìm được nguồn tiền 100.000 tỷ để bơm vào hệ thống để thực hiện biện pháp này.
Thứ ba, phải thay đổi quyền lực, cách thức xử lý tài sản nợ xấu của VAMC.
Cuối cùng, giải pháp ít được mong muốn nhất là vay tổ chức tài chính quốc tế với 3 nhóm có thể tham gia là các tổ chức truyền thống phương Tây như IMF, thứ 2 là Nhật bản, thứ 3 là Trung Quốc.
“Tôi cho rằng có biện pháp trộn lẫn các phương án này lại để dàn trải sức chịu đựng của nền kinh tế nhưng cần có gói giải pháp đồng bộ nếu không sẽ mất thêm nhiều năm nữa.” – Tiến sỹ Thành nhấn mạnh.
Thực sự nợ xấu không còn là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng. Nó là vấn đề của cả nền kinh tế và đang đứng trước yêu cầu hết sức bức thiết phải được giải quyết mà như Tiến sỹ Trần Du Lịch nói thì “càng kéo dài thì khó khăn càng tăng”. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, VAMC ra đời được ví là “cách giải quyết nợ xấu theo kiểu Việt Nam” nhưng cho đến nay, cách giải quyết này chưa cho thấy hiệu quả thực sự. Vì vậy, thiết nghĩ cần phối hợp các giải pháp theo “hiến kế” như trên của các chuyên gia dù phải hy sinh một vài mục tiêu trong ngắn hạn…
 
Lan Nguyên
Theo Infonet
Nguồn: cafef.vn